Cây Ngưu tất hay còn gọi là cỏ xước. Cây ngưu tất là loại cây thân thảo cao khoảng 1m. Rễ ngưu tất, hình trụ, dài 20 – 30cm, đường kính 0,5 – 1,0cm. Rễ nhỏ, cong queo, nhỏ dần từ cổ rễ đến ngọn rễ. Lá mọc đối, mép lượn sóng. Hoa nhiều, mọc thành chùm dài 20-30cm ở ngọn cây. Quả nang, có lá bắc ở vị trí có gai nhọn. Hạt hình trứng thuôn dài. Cây mọc hoang khắp nơi trên các bãi cỏ, ven đường, ven bụi … Đầu trên mang dấu vết của thân, đầu dưới nhỏ. Mặt ngoài màu nâu vàng, có nhiều vết nhăn nhỏ dọc thân rễ con.
Mục Lục
Nhận dạng dược liệu
– Ngưu tất có tên khác là hoài ngưu tất. Tên khoa học Achyranthes bidenta Blume; Họ rau dền.
– Ngưu tất có rễ chính hình trụ dài và những rễ phụ to. Thân có cạnh, phình ở mấu, màu lục hoặc nâu tía. Lá mọc đối, hai mặt nhẵn, mép nguyên uốn lượn, gân lá thường có màu nâu tía ở mặt trên.
– Cụm hoa mọc ở kẽ lá và ngọn thân thành bông dài. Hoa mọc chúc xuống áp sát vào cuống của cụm hoa, bao hoa gồm 5 lá đài, 5 nhị dính nhau, bầu hình trứng. Quả hình bầu dục, có 1 hạt.
Bộ phận dùng làm thuốc
Bộ phận dùng làm thuốc lá rễ. Rễ cây thường được thu hái vào mùa đông khi thân lá đã khô héo. Đào cây ngưu tất lên lấy rễ, cắt bỏ phần trên cổ rễ và rễ con, rửa sạch đất cát, đem phơi rồi bó thành từng bó nhỏ, tiếp tục phơi khô cho tới khi da nhăn nheo, đem lăn, xông sinh vài lần và đem phơi khô. Thành phẩm thu được là ngưu tất có mùi đặc biệt, vị hơi ngọt, màu vàng tro.
Dùng ngưu tất như thế nào?
Để làm thuốc, thu hoạch rễ ngưu tất khi cây bắt đầu tàn lụi vào tháng 11 đến tháng 1, rửa sạch, cắt bỏ phần gốc thân và rễ con, phơi sấy khô hoặc xông diêm sinh cho mềm trong một ngày, một đêm. Khi dùng, để sống hoặc tẩm rượu, sao vàng.
Theo đông y, ngưu tất tính bình, vị chua, đắng, vào 2 kinh can và thận.
– Dùng sống (rễ ngưu tất, rửa sạch, để ráo nước, thái mỏng, sấy khô) có tác dụng lợi thấp, hỗ trợ chữa tiểu rắt, tiểu ra máu, cổ họng sưng đau, trị vết thương phần mềm, ứ huyết, bầm tím.
– Dùng chín (rễ ngưu tất tẩm rượu hoặc tẩm muối sao), có tác dụng bổ can (gan), ích khí, cường gân cốt, hỗ trợ chữa tê thấp, đau mình mẩy, đau lưng, chân tay co quắp.
– Dùng liều: 6-12g sắc nước uống hoặc ngâm rượu uống.
Thành phần hóa học
Vị thuốc ngưu tất chứa saponin toàn phần, acid oleanolic, ecdysteron, inokosteron, polysaccharid, betain, emodin rutin và nhiều chất khác.
Cao ngưu tất có tác dụng hỗ trợ hạ huyết áp, tác dụng lợi niệu, kích thích tăng co bóp tử cung của chó và thỏ.
Công dụng
– Ngưu tất có công dụng thông kinh, hoạt huyết. Trong các trường hợp bế kinh, kinh nguyệt không đều, có thể dùng ngưu tất kết hợp với đào nhân, tô mộc, hương phụ.
– Hỗ trợ điều trị các bệnh đau khớp, đau xương sống, đặc biệt đối với khớp của chân. Nếu đau xương khớp mà thiên về hư hàn (lạnh) thì phối hợp với quế chi, cẩu tích, tục đoạn. Nếu đau xương khớp thiên về nhiệt (nóng) thì phối hợp với hoàng bá.
– Hỗ trợ điều trị trong các trường hợp hỏa độc bốc lên gây nôn ra máu, chảy máu cam phối hợp với thuốc tư âm giáng hỏa và thuốc chỉ huyết. Ngoài ra vị thuốc ngưu tất còn được dùng hỗ trợ trong các trường hợp sỏi tiết niệu, viêm bàng quang, tăng huyết áp, mỡ máu cao.
Ngoài cây ngưu tất nói trên, nhân dân còn dùng rễ cây cỏ xước, cây mọc hoang ở nhiều nơi hỗ trợ chữa đau khớp thông kinh, thanh nhiệt hầu họng, hỗ trợ trị viêm amidan và bệnh bạch hầu.
>> Đọc thêm tin hay khác tại đây
Một số bài thuốc trị bệnh
– Hỗ trợ chữa tê thấp, đau lưng ở người cao tuổi: Ngưu tất 12g, tỳ giải 12g , độc lực (đơn châu chấu) 16g, thiên niên kiện 8g. Tất cả thái mỏng, phơi khô, ngâm rượu. Ngày uống hai lần, mỗi lần một chén nhỏ 10ml.
– Chữa bí tiểu tiện ở người cao tuổi: Ngưu tất 12g, thục địa 12g, xa tiền tử 12g, hoài sơn 12g, trạch tả 8g, đan bì 8g, phục linh 8g, sơn thù 8g, phụ tử chế 8g, nhục quế 4g. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, ngày uống hai lần.
– Nước sắc ngưu tất tốt cho người viêm họng, mất tiếng, ho lâu ngày: Ngưu tất 20g, cam thảo10g. Sắc uống như trà.
– Cải thiện bệnh xương khớp: Hỗ trợ chữa đau thắt lưng, đau các khớp xương, chân tay co quắt, sưng đầu gối, gân cốt vô lực, lạnh buốt tứ chi… có thể dùng 1 trong số phương dược sau:
+ Ngưu tất 250g, địa hoàng 250g, ngâm với rượu trắng 1000ml. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 20ml.
+ Ngưu tất 20g, hoàng kỳ 20g, nhục quế 15g, nhân sâm 20g, xuyên khung 20g, sinh địa 15g, nhục thung dung 25g, ba kích thiên 20g, ngũ vị tử 20g, hải phong đằng 10g, ngũ gia bì 25g, phụ tử chế 20g, xuyên tiêu 15g, phòng phong 25g, gừng tươi 30g. Tất cả giã nhỏ ngâm với 15 lít rượu trắng, ngày 1-2 lần, mỗi lần uống 10-20ml.
+ Ngưu tất 95g, sinh địa hoàng 95g, đậu đen 95g. Đậu đen rang chín, ngưu tất, sinh địa nghiền nát, trộn đều với đậu đen, hấp chín, lấy vải bọc lại, ngâm với 1,5 lít rượu. Ngày uống 2 lần, trước bữa ăn, mỗi lần 10–20ml.
Lưu ý về sử dụng ngưu tất trong điều trị bệnh
- Nếu bạn đang mang thai, thường xuyên bị ra nhiều máu trong thời kỳ hành kinh hoặc bị băng huyết tuyệt đối không nên sử dụng ngưu tất.
- Nam giới bị mộng tinh, di tinh, hoạt tinh dùng ngưu tất có thể khiến bệnh tình ngày càng nặng thêm.
- Kiêng sử dụng ngưu tất cho các trường hợp bị tiêu chảy do tỳ hư.
- Ngưu tất kỵ với thịt trâu. Tránh sử dụng thực phẩm này trong quá trình điều trị bệnh có sử dụng ngưu tất.